Chi tiết bài viết

Đại công trường Metro trong lòng đất... Sài Gòn

Trong khi các ngả đường trước khu vực Nhà hát Thành phố, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) luôn nườm nượp dòng người qua lại, thì dưới lòng đất nơi này là một “thế giới” khác cũng tất bật không kém.

“Thế giới” này là đại công trình nhà ga metro ngầm của tuyến metro số 1 TP.HCM, dài gần 20 km từ Bến Thành đến Suối Tiên, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và H.Dĩ An (Bình Dương), với vốn đầu tư lên đến hơn 2,4 tỉ USD.

Trong số 3 nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 này, gồm Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son, ga Nhà hát Thành phố là ga ngầm được thi công đầu tiên.

Ngay khi liên danh nhà thầu Shimizu - Meade (Nhật Bản) trúng thầu thi công ga ngầm metro Nhà hát Thành phố, cùng với việc đưa các chuyên gia từ Nhật sang, họ bắt đầu tuyển dụng kỹ sư trong nước để cùng chuẩn bị triển khai xây dựng.

Nguyễn Chí Dũng, 28 tuổi, thạc sĩ chuyên ngành cầu - hầm, là một trong những người được chọn. Chàng thạc sĩ trẻ này bảo đây là một vinh dự lớn của đời mình khi có được cơ hội tham gia thi công một công trình đặc thù, hoàn toàn mới mẻ ở VN. Từ ngày nhà ga được khởi công giữa năm 2014 đến nay, Dũng được giao nhiệm vụ quán xuyến việc thi công của Shimizu - Meade trên công trường.

“Hộp giấy” đặc biệt
 

Từ khi họ bàn giao đến nay không xảy ra thấm hay rò rỉ nước từ bên ngoài vào dù mặt đáy là nền đất. Cùng với hệ thống cọc tạm ở giữa,
tường vây đó chắc chắn đến mức gánh đỡ an toàn các sàn bê tông khổng lồ mà chỉ riêng kết cấu thép của mỗi sàn đã nặng hơn 1.000 tấn Thạc sĩ Nguyễn Chí Dũng, quán xuyến việc thi công của Shimizu - Meade tại công trường ga ngầm Nhà hát Thành phố
 

Hạng mục chính của ga Nhà hát Thành phố có 4 tầng ngầm từ B1 - B4, với độ sâu 30 m trong lòng đất. Đến thời điểm này, việc thi công đã hoàn chỉnh phần thô tầng hầm B1 (sâu khoảng 7 m). Gần 200 công nhân xây dựng đang tất bật thi công tầng hầm B2 và B3 ở độ sâu khoảng 20 m, trải dài hơn 200 m từ mép đường Đồng Khởi đến Pasteur, bao gồm phần không gian ngầm của toàn bộ công trường Lam Sơn, vòng xoay trên đường Nguyễn Huệ (cũ) và một đoạn đường Lê Lợi giáp với phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay.

Lúc đầu chúng tôi cũng không hình dung ra được làm thế nào mà việc thi công sâu trong đất vẫn diễn ra bình thường, trong khi trên các ngả đường quanh khu vực trước Nhà hát Thành phố luôn nườm nượp dòng người, xe cộ qua lại, đặc biệt là các cao ốc liền kề nhà ga ngầm không hề bị ảnh hưởng. Vừa trao thiết bị bảo hộ lao động cho chúng tôi để chuẩn bị xuống hầm, anh Dũng vừa gợi sự tò mò: “Khi xuống hầm rồi, sẽ thấy anh em công nhân làm việc trong lòng đất nó hao hao giống như trong một hộp giấy đặc biệt vậy”.

Ngay lúc vừa bước xuống theo lối cầu thang bộ từ sàn tạm, đi dọc các tầng hầm, đứng ở vị trí nào cũng ầm ào tiếng khoan tường bê tông, cắt thép, máy xúc đất...

Không giống như thi công nhà ở hoặc cao ốc bình thường, là làm móng, đổ trụ, dầm rồi dựng giàn giáo xong mới đổ sàn, công trình đặc biệt này lại làm theo các trình tự ngược lại. “Ở công trình này áp dụng phương pháp thi công top - down, tức là bắt đầu làm từ trên xuống. Đổ mái, đổ sàn xong mới đổ trụ và phần cuối cùng là móng. Cứ thế làm hầm B1 (trên cùng) đến hầm B4 (hầm cuối)”, Dũng giải thích. Khi đứng ở độ sâu 20 m, chúng tôi ngạc nhiên: “Trời đang mưa, sao không thấy nước bì bõm như bên trên một số tuyến đường?”. Dũng cười, nhắc lại: “Ở đây là hộp giấy đặc biệt mà”.

Để có cái “hộp giấy đặc biệt” ấy là cả một câu chuyện thi công thú vị, mà ngay thạc sĩ ngành xây dựng như Dũng cũng mới trực tiếp tham gia lần đầu, vì “đây là công nghệ khá mới ở VN”. Theo lời Dũng, để làm được như vậy, đầu tiên là làm tường vây bê tông cốt thép dày 3 m bao quanh toàn bộ công trình nhằm ngăn nước từ ngoài tràn vào. Trong quá trình đào hầm thi công các sàn, đơn vị thi công còn đặt máy bơm hút nước để hạ mực nước ngầm nếu có phát sinh trong khu vực thi công.
 

Công nhân đang khẩn trương thi công trong tầng thứ 3 của ga Nhà hát Thành phố

An toàn kiểu Nhật

 

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, diện mạo tuyến metro số 1 đang dần thành hình. Với gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son), nhà thầu liên danh Shimizu - Meada đang triển khai thi công, có những hạng mục như ga Nhà hát Thành phố đạt 70% khối lượng thi công. Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương), nhà thầu liên danh Sumitomo - CIENCO 6 đang triển khai thi công và cơ bản xong kết cấu phần dưới, phần trụ của 17 phân đoạn cầu cạn, 5 cầu đặc biệt (trong đó có cầu vượt sông Sài Gòn vừa hợp long) và 11 nhà ga với khối lượng tổng thể đến nay đạt khoảng 60%. Dự kiến các gói thầu hoàn thành năm 2019 để theo kế hoạch vận hành toàn tuyến vào năm 2020.
 

Công trình ga Nhà hát Thành phố đã trải qua gần 1.000 ngày thi công an toàn. Kết quả này có được hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà nó xuất phát từ sự kỹ lưỡng của các nhà thầu Nhật.

Ở bất kỳ vị trí nào cũng dễ dàng nhận ra sự cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ.

Vừa bước vào cửa công trình, phía bên trên hầm có một bảng hiệu lớn nhắc nhở công nhân “hãy cùng nhau loại trừ các rủi ro”. Thậm chí, các lối lên xuống cầu thang bộ còn treo “bảng nội quy cầu thang”, quy định bắt buộc mỗi ngày phải làm vệ sinh hai lần vào 8 giờ và 16 giờ.

Điểm cầu thang bộ nằm gần khu vực đang đào đất thi công hầm B3 phía đường Pasteur để thêm chậu nước cho công nhân rửa giày trước khi rời khỏi công trường thi công, nhằm tránh đất dính vào đế giày khi đi cầu thang có thể xảy ra tai nạn do trơn trượt...

Nguyễn Chí Dũng bảo chính nhờ sự cẩn trọng đó mà công trình thi công đến đâu, "thương hiệu Nhật" được khẳng định đến đó.

Anh kể: “Tường vây tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra không hề đơn giản chút nào. Để làm được hạng mục này, một nhà thầu phụ của Nhật sang đảm trách. Từ khi họ bàn giao đến nay không xảy ra thấm hay rò rỉ nước từ bên ngoài vào dù mặt đáy là nền đất. Cùng với hệ thống cọc tạm ở giữa, tường vây đó chắc chắn đến mức gánh đỡ an toàn các sàn bê tông khổng lồ mà chỉ riêng kết cấu thép của mỗi sàn đã nặng hơn 1.000 tấn”.

Trong số gần 200 công nhân xây dựng mỗi ngày tất bật thi công tại đây, gia đình chị Thạch Thị Phí có đến 3 người (chị, chồng là anh Đào Thu và con rể Ngô Văn Lạnh). Làm công nhân xây dựng ngót nghét đã 5 năm qua, chị Phí không ngờ gia đình mình lại có may mắn được tham gia thi công một công trình đặc biệt như vậy ngay từ những ngày đầu khởi công.

Lúc đầu mới vào làm, chị cũng khá bỡ ngỡ về những quy định an toàn nghiêm ngặt mà phía nhà thầu đặt ra, “nhưng thật lòng mà nói là cũng nhờ đó mà thấy rất yên tâm dù ngày nào cũng lao động cật lực trong lòng đất”.

“Mỗi khi có dịp về quê Trần Đề (Sóc Trăng) kể chuyện với bà con, thì mọi người ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên vì không tin chuyện xây được nhà trong lòng đất. Bà con ở quê cứ bảo mình đào cái ao sâu chừng 3 m đã lênh láng nước. Trong khi ở Sài Gòn hễ mưa một lúc là đường phố sũng nước thì trong lòng đất sâu 30 m sao mà làm được!”, chị Phí hồ hởi khoe.

Với anh Nguyễn Quang Phúc, 24 tuổi, kỹ sư công trường phụ trách các vấn đề thi công của CC1, mỗi ngày “sống trong lòng đất” lại có thêm một trải nghiệm thú vị.

"Công trình do người Nhật thiết kế nên khi tham gia trực tiếp thi công, mình học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm. Trên công trường đa phần là kỹ sư trẻ, công nhân người Việt. Nhiều khi chuyên gia Nhật cũng có mặt tham gia hỗ trợ, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công. Họ làm với tinh thần trách nhiệm và chia sẻ rất cao. Có lúc thấy công nhân mình xử lý một việc nào đó chưa đúng kỹ thuật, họ nhiệt tình xắn tay vào làm thay, chứ không đứng một chỗ ra lệnh này kia đâu”.


Theo Thanh niên